Tính axit, trung tính, kiềm – bạn có thấy những thuật ngữ này quen không? Chắc chắn bạn đã nghe thấy chúng khi đi học, nhưng bạn có biết chúng cũng được áp dụng cho da không? Duy trì độ pH phù hợp cho làn da là điều cần thiết để có một hàng rào độ ẩm khỏe mạnh. Hàng rào độ ẩm là lớp ngoài cùng của làn da, có tác điều chỉnh mức độ hydrat hóa, đồng thời bảo vệ da chống lại vi khuẩn có hại và các tác nhân gây hại từ môi trường bên ngoài.
Độ pH của da là gì?
Vì da không phải là chất lỏng nên nó thực sự không có giá trị pH. Khi bạn nghe ai đó nói về “độ pH của da”, có nghĩa là họ đang đề cập đến độ pH của lớp phủ axit. Đây là một lớp màng bảo vệ mỏng, hình thành trên bề mặt da và được tạo thành từ ceramide và lipid, cùng với các axit tự nhiên và các hợp chất hóa học khác do vi khuẩn sống trên da tiết ra. Lớp phủ axit này là một lớp quan trọng trong hệ sinh thái phức hợp tạo thành hàng rào độ ẩm bảo vệ da.
Độ pH tự nhiên của da chúng ta có tính axit nhẹ và thường nằm trong khoảng từ 4.2 đến 6. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng làn da được nghỉ ngơi, khỏe mạnh có độ pH gần bằng 4.7.
Vai trò của độ pH có đối với sức khỏe làn da
Duy trì độ pH tốt cho lớp phủ axit rất quan trọng vì nó giúp giữ cho da ở trạng thái cân bằng nội môi. Về cơ bản, nó đảm bảo mọi thứ cân bằng để các tế bào da có môi trường tối ưu giúp chúng hoạt động một cách thoải mái và khỏe mạnh.
Hệ vi sinh vật trên da của chúng ta cũng bị ảnh hưởng rất nhiều bởi độ pH của lớp axit. Mọi loại vi khuẩn đều sinh sống trong khoảng pH lý tưởng của nó, và thông thường vi khuẩn xấu có thể sống ở độ pH cao hơn. Vì vậy, nếu chúng ta có thể giữ lớp phủ axit ở độ pH khoảng 4.7, vi khuẩn xấu sẽ không thể phát triển tốt. Điều này cũng cho phép các vi khuẩn tốt phát triển mạnh ở độ pH này.
Cuối cùng, khi bạn có một lớp phủ axit mạnh có nghĩa là bạn có một hàng rào độ ẩm khỏe mạnh. Nó giúp làn da bạn khỏe mạnh bằng cách ngăn chặn sự xuất hiện tình trạng xấu như khô, mất nước, kích ứng, mụn trứng cá và viêm da.
Nguyên nhân khiến độ pH của da bị mất cân bằng và cách ngăn ngừa
Da thực sự là một bộ phận đáng kinh ngạc và nó làm rất tốt việc giữ cân bằng cho chính nó. Ngay cả khi phải tiếp xúc với những thứ làm phá vỡ độ pH, làn da khỏe mạnh có thể tự điều chỉnh trong vòng vài phút đến vài giờ. Tuy nhiên, thường xuyên gây hại cho lớp màng axit của da có thể làm mất đi tính toàn vẹn của hàng rào độ ẩm theo thời gian, cuối cùng dẫn đến tổn thương và nhạy cảm. Đây là lý do tại sao lạm dụng axit tẩy tế bào chết quá mức là nguyên nhân phổ biến gây kích ứng da.
Sau đây là ba thói quen phổ biến nhất có thể phá hủy độ pH của da và cách để ngăn ngừa điều đó.
Sản phẩm chăm sóc da
Không có gì ngạc nhiên khi thói quen phổ biết nhất làm thay đổi độ pH trên da của chúng ta là sử dụng các sản phẩm chăm sóc da. Thủ phạm chính là những hành vi sau:
- Lạm dụng các sản phẩm có tính axit (như axit tẩy tế bào chết hoặc axit L-ascorbic).
- Sử dụng sản phẩm có chất tẩy rửa mạnh (như chất tẩy rửa sulfate chẳng hạn).
Như đã nói, làn da khỏe mạnh phục hồi khá nhanh, vì vậy việc sử dụng những thứ có tính axit hoặc kiềm cao hơn sẽ không phải là vấn đề lớn. Chúng chỉ để lại hậu quả khi tiếp xúc da lâu dài hoặc kéo dài, nghĩa là nếu bạn để những thứ đó tiếp xúc da trong một thời gian dài hoặc sử dụng nó nhiều lần.
Do đó, lời khuyên được đưa ra là bạn nên sử dụng các sản phẩm chăm sóc da có độ pH cân bằng phù hợp với loại da của bạn. Và bạn cũng nên tuân theo hướng dẫn của nhà sản xuất để không lạm dụng một số thành phần nhất định.
Nói chung, các sản phẩm chăm sóc da bạn sử dụng có pH nằm trong khoảng 4-7. Một số người cho rằng 5.5 là độ pH lý tưởng cho các sản phẩm chăm sóc da, nhưng thành thật mà nói, hầu hết da sẽ không phản ứng nhiều với mức chênh lệch 0.5 hoặc thậm chí là 1.
Độ pH cũng sẽ khác nhau tùy thuộc vào loại sản phẩm. Như đã đề cập ở trên, các axit tẩy tế bào chết hoạt động mạnh nhất ở phạm vi pH 3-4. Do đó, bạn nên sử dụng chúng đúng cách. Điều này sẽ có lợi cho làn da của bạn thông qua việc loại bỏ các tế bào da chết để thay thế bằng những tế bào mới. Ngược lại với axit tẩy tế bào chết, các chất tẩy rửa và làm sạch thường có thang độ pH cao hơn.
Nước máy
Nước máy thường chứa các khoáng chất làm cho nó có độ pH cao hơn một chút so với mức lý tưởng của làn da. Cách tốt nhất để khắc phục điều này là sử dụng toner cân bằng độ pH ngay sau khi rửa mặt.
Thấm nước hoa hồng không chứa cồn vào bông thấm và nhẹ nhàng lau lên da sau khi tắm hoặc rửa mặt. Điều này sẽ giúp da của bạn tự cân bằng lại cũng như loại bỏ các chất cặn bã mà nước máy có thể để lại.
Đổ mồ hôi
Mồ hôi thực sự có thể làm tăng độ pH của da vì nó làm chúng ta tiết ra các hợp chất tạo nên lớp phủ axit với nồng độ cao hơn. Tuy nhiên, điều này không gây ảnh hưởng đến da nhiều như các sản phẩm chăm sóc da hoặc nước máy. Bạn chỉ cần đảm bảo rằng bạn luôn rửa mặt sau khi tập luyện thể thao để loại bỏ mồ hôi và vi khuẩn.
Theo Renee Rouleau.