Điều gì xảy ra khi bạn không ngủ nhiều ngày?

Có bao giờ bạn tự hỏi bạn có thể không ngủ trong bao lâu? Hãy cùng tìm hiểu điều gì sẽ xảy ra với bạn, về thể chất và tinh thần, khi bạn thiếu ngủ nhé.

Những buổi học thâu đêm, những mối giao dịch làm ăn quan trọng, chăm sóc em bé mới sinh… hầu hết mọi người sẽ phải nếm trải cảm giác thiếu ngủ vào một thời điểm nào đó trong đời. Mặc dù đôi khi thiếu ngủ có vẻ không phải là vấn đề lớn, nhưng tác động của nó có thể rất dữ dội và gây ảnh hưởng kéo dài. Và nếu bạn biến nó thành thói quen, ngủ không đủ giấc có thể gây ra những hậu quả nặng nề cho sức khỏe của bạn.

Terry Cralle, RN, một nhà giáo dục lâm sàng về giấc ngủ tại Virginia, cho biết: “Là một xã hội, với tư cách gia đình và cá nhân, chúng ta chưa đánh giá hết tầm quan trọng của giấc ngủ. Ngủ, cùng với chế độ ăn uống và tập thể dục, là nền tảng của một sức khỏe tốt”. Bà cho biết thêm rằng chúng liên kết với nhau đến mức mỗi thứ đều cần phải được ưu tiên.

Việc ngủ kém kinh niên khiến chúng ta có nhiều nguy cơ mắc các bệnh lý nghiêm trọng, chẳng hạn như béo phì, bệnh tim và tiểu đường. Trong khi ngủ, cơ thể tiết ra hormone giúp kiểm soát sự thèm ăn, chuyển hóa và xử lý glucose. Ngủ không ngon giấc có thể dẫn đến việc cơ thể tăng sản xuất cortisol, còn được gọi là hormone căng thẳng. Ngoài ra, ngủ ít có vẻ như khiến các hormone khác bị ảnh hưởng. Ít insulin được tiết ra sau khi bạn ăn, và điều đó, cùng với sự gia tăng cortisol, có thể dẫn đến quá nhiều glucose trong máu và do đó làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường loại 2.

Mỗi người đều có nhu cầu ngủ khác nhau, nhưng theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ, người lớn nên ngủ từ bảy đến chín giờ mỗi đêm. Và trái với suy nghĩ của nhiều người, ngủ thêm một hoặc hai tiếng vào cuối tuần không thể bù đắp cho những giờ mất ngủ của bạn trong suốt một tuần bận rộn. Nó cũng có thể phá vỡ đồng hồ bên trong cơ thể và có thể dẫn đến chứng mất ngủ vào đêm Chủ nhật. Tuân thủ lịch ngủ nhất quán là cách tốt nhất để điều chỉnh đồng hồ của cơ thể.

Một đêm ngủ kém ảnh hưởng đến tâm trạng, hành vi và hiệu suất của chúng ta vào ngày hôm sau như thế nào? Dưới đây là những gì sẽ xảy ra với cơ thể khi bạn không ngủ.

Ngủ không đủ giấc làm suy giảm khả năng phán đoán của bạn, khiến bạn khó làm được mọi việc hơn.
Ngủ không đủ giấc làm suy giảm khả năng phán đoán của bạn, khiến bạn khó làm được mọi việc hơn.

Không ngủ 24 giờ: Suy giảm khả năng phối hợp, trí nhớ và phán đoán

Sau 24 giờ không ngủ, các hormone căng thẳng, đặc biệt là cortisol và adrenaline, tăng lên để bù đắp cho sự mệt mỏi mà chúng ta đang chiến đấu và giúp chúng ta duy trì hoạt động, John Cline, tiến sĩ, trợ lý giáo sư tâm lý học lâm sàng, thành viên của Học viện Y học Giấc ngủ Hoa Kỳ giải thích.

Tiến sĩ Cline cho biết: “Bộ não đang cố gắng đương đầu với việc không có cơ hội để tự trẻ hóa, vì vậy chúng ta có những hormone căng thẳng tăng cao này để giữ cho cơ thể được hoạt động”.

Theo nghiên cứu trước đây, hậu quả của việc thiếu ngủ trong 24 giờ tương đương với sự suy giảm nhận thức của một người có nồng độ cồn trong máu là 0,1%. Bạn sẽ bị giảm thời gian phản ứng, nói ngọng và suy nghĩ chậm lại.

Mức độ suy giảm nhận thức đó có thể đủ để gây nguy hiểm, tùy thuộc vào những gì bạn đang làm. Cline chỉ ra một nghiên cứu cho thấy mọi người có nguy cơ bị tai nạn giao thông cao hơn sau khi làm việc ca đêm vì buồn ngủ.

Trong một nghiên cứu nhỏ được công bố trên Tạp chí Nghiên cứu Giấc ngủ năm 2016, 29 nam thanh niên khỏe mạnh được giữ thức suốt 24 giờ, và người ta phát hiện ra rằng việc thiếu ngủ khiến họ dễ nhớ lại sai lệch những ký ức.

Cralle cho biết: “Khả năng phán đoán bị ảnh hưởng, trí nhớ bị suy giảm và khả năng ra quyết định cũng như khả năng phối hợp tay mắt bị suy giảm. Bạn cũng có xu hướng phản ứng nhiều hơn về mặt cảm xúc, giảm chú ý, suy giảm thính lực và tăng nguy cơ tử vong do tai nạn chết người”.

Không ngủ 36 giờ: Sức khỏe thể chất bắt đầu bị ảnh hưởng tiêu cực

Lúc này sức khỏe của bạn bắt đầu có nguy cơ bị ảnh hưởng. Mức độ cao của các dấu hiệu viêm trong máu, cuối cùng có thể dẫn đến bệnh tim mạch và huyết áp cao. Trong một đêm ngủ lành mạnh điển hình, huyết áp giảm khoảng 10 đến 20 phần trăm. Nhưng nếu giấc ngủ bị gián đoạn nhiều hoặc hoàn toàn không xảy ra, việc duy trì huyết áp cao có thể là một yếu tố nguy cơ của tăng huyết áp.

Ngoài ra, hormone sẽ bị ảnh hưởng – có nghĩa là cảm xúc của bạn có thể thay đổi thường xuyên. Theo Cline, khi cơ thể tiếp tục bơm cortisol vào máu, tăng nhịp tim và huyết áp để giữ cho bạn tỉnh táo, thì việc tiếp tục căng thẳng có thể làm tăng cảm giác lo lắng và thay đổi tâm trạng của bạn.

Nếu trước đây bạn cáu kỉnh, gắt gỏng và giống như một thây ma, những triệu chứng đó có thể sẽ tồi tệ hơn sau 36 giờ không ngủ, Cline nói. “Mọi thứ diễn ra vào 24 giờ sẽ trở nên tồi tệ hơn vào 36 giờ.”

Suy giảm nhận thức cũng trở nên nghiêm trọng hơn nhiều.Bạn có thể cảm thấy chậm chạp và trải qua thời gian phản ứng chậm, trí nhớ mờ mịt và không có khả năng tập trung, không thể tìm hiểu thông tin mới và xử lý các tình huống xã hội.

Một nghiên cứu khác được thực hiện khi giữ 35 sinh viên đại học không ngủ trong 36 giờ. Nó cho thấy rằng nhóm này chậm nhận thấy những thay đổi trong môi trường và có phản ứng chậm với các kích thích mới trong môi trường xung quanh.

Không ngủ 48 giờ: Microsleep và mất ý thức

Ở mốc 48 giờ, bạn đang đối mặt với tình trạng “thiếu ngủ nghiêm trọng”.

Cơ thể bắt đầu bù đắp bằng cách ngừng hoạt động thông qua “microleep” – khoảng thời gian nghỉ ngơi từ 3 đến 15 giây – trong thời gian này não của bạn sẽ tắt. Đôi mắt của bạn không nhất thiết phải nhắm lại và bạn có thể không ý thức được điều gì đang xảy ra, nhưng bộ não của bạn đang dừng hoạt động trong vài giây tại một thời điểm.

Microsleep là sự kiện một người mất ý thức hoặc sự chú ý do cảm thấy mệt mỏi hoặc buồn ngủ. Nói một cách dễ hiểu, microsleep xảy ra do não đi vào trạng thái nghỉ ngơi hoặc ngủ trong khi cơ thể vẫn hoạt động ở trạng thái thức. Tuy nhiên, không phải tất cả các bộ phận của não đều đang ngủ.

Theo nghiên cứu, sóng não được đo bằng điện não đồ cho thấy rằng trong microsleep có cả sự khác biệt và tương đồng với bốn giai đoạn của giấc ngủ.

Tiến sĩ Hussam Al-Sharif, một nhà nghiên cứu bệnh học và chuyên gia y học giấc ngủ cho biết sau hai ngày không ngủ, bạn có thể gia tăng sự cáu kỉnh, lo lắng, trí nhớ mờ mịt và suy giảm khả năng suy nghĩ.

Một số người thậm chí có thể gặp phải ảo giác – nhìn hoặc nghe thấy những thứ không thực sự ở đó. “Một số người cảm thấy suy sụp và một số người có thể trở nên hưng phấn”, tiến sĩ Al-Sharif cho biết thêm.

Nghiên cứu cho thấy rằng hệ thống miễn dịch cũng bị ảnh hưởng. Trong một nghiên cứu trên 16 tình nguyện viên phải bỏ ngủ trong 72 giờ, các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng tế bào NK – hay còn gọi là tế bào tiêu diệt tự nhiên – giảm 37% sau 48 giờ thức trắng. Tế bào NK đóng một vai trò quan trọng trong việc chống lại virus và sự hình thành khối u.

Không ngủ 72: Những khiếm khuyết lớn về nhận thức và ảo giác

Bạn sẽ có sự thiếu hụt đáng kể về khả năng tập trung, động lực, nhận thức và các quá trình tinh thần khác sau nhiều giờ mất ngủ.

Một nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Tâm thần Toàn diện đã nghiên cứu 12 phi hành gia bị chỉ định chia làm hai nhóm: cách ly trong 72 giờ hoặc thiếu ngủ trong 72 giờ. Nhóm phải thức trong ba ngày có nhịp tim tăng, tâm trạng tiêu cực cao hơn và cảm xúc tích cực thấp hơn, so với nhóm phải sống trong cô đơn trong ba ngày.

Bạn sẽ cảm thấy khá đau khổ và rối loạn chức năng khi thiếu ngủ nhiều như thế này. Bộ não đang chiến đấu chống lại việc muốn ngừng hoạt động và điều đó sẽ tạo ra một trạng thái cảm xúc thực sự mong manh.

Microsleeps cũng tăng về thời lượng và tần suất. Cline nói rằng đây là một phản ứng bảo vệ của cơ thể – nhưng những khoảnh khắc nghỉ ngơi không tự nguyện thoáng qua đó vô cùng rủi ro, đặc biệt nếu bạn đang ngồi sau tay lái, vận hành thiết bị hạng nặng hoặc chịu trách nhiệm về các quyết định sống còn tại nơi làm việc.

Đây cũng là lúc tâm trí chín muồi cho ảo giác, ảo tưởng và hoang tưởng, Al-Sharif nói.

Theo Everyday Health.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *