Bệnh viện Bệnh viện Việt Nam Thụy Điển – Uông Bí vừa tiếp nhận cho một bệnh nhân 36 tuổi tiền sử sức khoẻ hoàn toàn bình nhưng đột ngột tiếp xúc chậm, méo miệng, mất ngôn ngữ, liệt nửa người, phải nhập viện cấp cứu.
Bệnh nhân bị đột quỵ, nhồi máu não cấp thùy thái dương trái thuộc vùng cấp máu của động mạch não giữa trái (là mạch máu lớn của não), tiên lượng nặng.
Sau 13 ngày điều trị tích cực, người bệnh nói tốt hơn, phục hồi vận động, mới được ra viện cách đây ít ngày. Tuy nhiên, bác sĩ cho biết quá trình hồi phục của anh còn cần thêm thời gian dài, di chứng sau đột quỵ sẽ ít nhiều gây trở ngại trong cuộc sống. Bệnh nhân này cũng phải tái khám định kì và thực hiện tập phục hồi chức năng.
Chỉ tính riêng trong tháng 8, khoa Tâm thần kinh – Cơ xương khớp của bệnh viện này đã tiếp nhận và điều trị cho 4 trường hợp đột quỵ não ở độ tuổi còn khá trẻ, từ 36 – 44 tuổi.
PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh Bộ Y tế, cho biết ở Việt Nam, tỷ lệ người bị đột quỵ ngày càng gia tăng, mỗi năm ghi nhận thêm 200.000 ca mắc mới đột quỵ, 50% trong đó tử vong.
Nhiều người dù may mắn sống sót sau cơn đột quỵ nhưng vẫn phải chịu các di chứng nặng nề, thậm chí là mất khả năng lao động, tạo ra gánh nặng cho gia đình và xã hội.
Trong một buổi Hội thảo về tình trạng Đột quỵ não mới đây tại Bệnh viện Bạch Mai, bác sĩ Lê Thị Mỹ – Giảng viên khoa Thần kinh cho biết, theo số liệu từ Tổ chức Y tế Thế giới: Tử vong do đột quỵ não đứng thứ hai sau bệnh tim, mỗi năm có khoảng 5,5 triệu người chết do tình trạng này, ước tính toàn thế giới cứ 4 người thì có 1 người bị đột quỵ não, hiện nay có khoảng 80 triệu người bị đột quỵ, năm 2016: tỷ lệ mới mắc 9,5 triệu người, năm 2017 đã có 2,7 triệu người chết do đột quỵ.
Bác sĩ Lê Thị Mỹ cho biết, đột quỵ có những dạng sau:
- Đột quỵ thiếu máu não
- Đột quỵ nhồi máu não thầm lặng hệ thần kinh trung ương
- Chảy máu nhu mô
- Đột quỵ não do chảy máu nhu mô
- Chảy máu não thầm lặng
- Chảy máu dưới nhện
- Đột quỵ não do chảy máu dưới nhện
Bác sĩ Lê Thị Mỹ đưa ra các nguyên nhân gây nên đột quỵ não đó là: Huyết áp cao chiếm tới 80% trong các trường hợp đột quỵ, ngoài ra còn do xơ vữa động mạch, thiếu máu cục bộ cơ tim, suy tim, vỡ phình mạch máu não…Đặc biệt tình trạng này rất dễ xảy ra nếu người bệnh có sẵn bệnh tiểu đường hoặc mỡ máu cao, bệnh tim mạch, béo phì, hút thuốc lá, nghiện rượu.
Các triệu chứng thường gặp của đột quỵ não
Hạ đường huyết, u não, co giật, chóng mặt, tình trạng lú lẫn, mất ý thức, ngã, yếu toàn thân, tiểu không tự chủ, mất trí nhớ, rối loạn cảm giác ở 1 chi hoặc mặt, nói ngọng hoặc không nói được, tê cứng hoặc đau nửa mặt, nhìn không rõ, đau đầu dữ dội, nôn mửa, có lúc thở nhanh dồn dập, có cơn ngừng thở ngắn hoặc hôn mê.
Một số chẩn đoán đột quỵ não
Mất cảm giác, mất vận động, mất nói, mất thị lực, giật chân tay, kim châm, rối loạn thị giác kiểu nhìn vệt chớp sáng, đau đầu, ngất, mất trí toàn bộ thoáng qua, rối loạn chức năng tiền đình ngoại vi, liệt mặt, yếu tay.
Các cách xử trí trường hợp đột quỵ não
Khi thấy bệnh nhân có các biểu hiện trên cần gọi ngay xe cấp cứu hoặc taxi đưa ngay đến bệnh viện càng sớm càng tốt. Khi di chuyển nên để bệnh nhân trên mặt phẳng, nghiêng mặt sang 1 bên, nới bớt quần áo cho thoáng. Nếu được cấp cứu đúng thời điểm giờ vàng (3 – 4,5 giờ đầu) thì khả năng cứu sống cũng như hạn chế được di chứng càng cao.
Cách phòng ngừa đột quỵ não
Để phòng ngừa đột quỵ não cần tăng cường tập thể dục, làm việc vừa sức, giảm cân, không ăn nhiều mỡ béo, nhiều chất bột, đường, nên ăn nhiều rau, củ, trái cây.
Theo dõi huyết áp định kỳ (mức lý tưởng cho mọi lứa tuổi là không quá 120/80mmHg). Khi đã phát hiện huyết áp cao phải uống thuốc đều hàng ngày theo đơn thuốc của bác sĩ.
Theo Người đưa tin (https://www.nguoiduatin.vn/ot-quy-ngay-cang-tre-hoa-dau-hieu-nhan-biet-ot-quy-va-cach-xu-tri-a569685.html).