Lấy nọc độc, rửa vết cắn, chườm đá, bôi kem chống ngứa giúp trẻ xử lý vết cắn, đốt do côn trùng.
Vết cắn, đốt của côn trùng rất phổ biến ở trẻ em, đặc biệt là trong những tháng mùa xuân, hè. Các loại động vật thường gây ra về cắn, đốt ở trẻ em có thể bao gồm nhện, ve, muỗi, ruồi, bọ chét, kiến, ong, rết hay rít…
Hầu hết vết cắn của những động vật này gây ra phản ứng nhẹ tại chỗ, một số trường hợp nghiêm trọng trẻ có thể bị phản ứng phản vệ, dị ứng, nổi mề đay đột ngột, sưng mặt, khó thở, chóng mặt. ngất xỉu … Biết cách phòng ngừa và điều trị các vết cắn, đốt của côn trùng để giúp trẻ an toàn, khỏe mạnh.
Theo WebMD, nếu trẻ bị cắn hoặc đốt gần miệng, từng có phản ứng phản vệ với vết đốt côn trùng, phụ huynh nên gọi bác sĩ càng sớm càng tốt vì những vùng này nhạy cảm hơn những vị trí khác trên cơ thể.
Nếu bé không bị phản ứng, bố mẹ có thể điều trị vết đốt, cắn tại nhà. Các bước lần lượt gồm: tháo bất kỳ đồ trang sức, quần áo ra khỏi vùng da bị vết cắn hoặc vết đốt. Cha mẹ dùng móng tay, thìa để loại bỏ ngòi của côn trùng trên da (ví dụ như ong, rết). Tiếp đến, người lớn dùng nước sạch rửa qua vết cắn, đốt. Phụ huynh có thể dùng xà phòng rửa nhẹ vết thương. Bạn có thể giúp trẻ giảm đau bằng cách chườm đá lên quanh vết cắn. Mỗi lần chườm tối đa 10 phút, dừng lại khoảng 2-3 phút và chườm thêm 10 phút. Nếu vết thương của trẻ ở tay hoặc chân, bạn có thể cho trẻ giơ cao hoặc gác tay, chân lên để giảm sưng.
Đối với vết đốt gây ngứa, phụ huynh thoa kem dưỡng da kháng histamine hoặc các loại kem chăm sóc da cho trẻ để giảm ngứa; Bôi hỗn hợp baking soda và nước hoặc kem dưỡng da calamine để trị ngứa. Ngoài ra, cha mẹ cũng có thể hỏi ý kiến bác sĩ để dùng thuốc giảm đau, ngứa cho trẻ, nếu vết đốt gây cản trở sinh hoạt thường ngày.
Hầu hết triệu chứng do côn trùng đốt, cắn sẽ hết trong vài giờ hoặc vài ngày. Tuy nhiên, nếu tình trạng sưng, đỏ, đau diễn biến xấu hoặc trẻ bị sốt, phát ban, mệt mỏi, phụ huynh nên đưa con đến cơ sở y tế gần nhất để kiểm tra.
Nhận biết vết cắn côn trùng
Trẻ chưa biết nói, còn nhỏ chưa ý thức được vừa bị con gì cắn. Trong trường hợp này, cha mẹ có thể nhận biết vết cắn côn trùng bằng các mẹo sau:
Ong: vết đốt gây sưng, đỏ, đau tức thì. Nếu quan sát kỹ, bạn sẽ thấy một ngòi hoặc vết lõm ở giữa vết sưng.
Kiến lửa: vết kiến lửa đốt gây đau ngay lập tức. Vết đốt này tạo ra dịch đục xung quanh khu vực bị sưng.
Muỗi đốt: vết muỗi đốt không gây ra vấn đề ngay lập tức, nhưng sẽ trở nên đỏ, sưng, ngứa sau đó.
Nhện: bạn không thể thấy vết cắn của nhện nhưng khi thấy trẻ đau đớn, vùng đỏ chứa đầy chất lỏng và bao quanh bởi một vòng màu đỏ hoặc tím (giống như mục tiêu), nên cho trẻ đi khám.
Rết: vết cắn do rết thường sưng to, đau nhức dữ dội. Cha mẹ nên theo dõi kỹ trẻ nếu không may bị loại động vật này cắn.
Để giúp tránh bị côn trùng đốt, phụ huynh nên mặc quần dài, tất, mũ cho trẻ khi ra ngoài; mặc quần áo sáng màu để không thu hút bọ; tránh sử dụng bất kỳ loại xà phòng thơm hoặc sản phẩm khác cho trẻ vì nước hoa thu hút côn trùng; thường xuyên sử dụng thuốc chống côn trùng; tránh những khu vực có côn trùng làm tổ; sử dụng lưới che cửa sổ, cửa ra vào để ngăn côn trùng xâm nhập vào nhà.
Theo VnExpress (https://vnexpress.net/cach-xu-tri-khi-tre-bi-con-trung-can-dot-4502080.html).