Chia bánh thành miếng nhỏ, có thể dùng kèm các loại hoa quả hay trà chỉ số đường thấp… là cách ăn bánh trung thu tốt cho sức khỏe.
Theo phó giáo sư Nguyễn Thị Lâm, nguyên Phó Viện trưởng Dinh dưỡng Quốc gia, bánh trung thu truyền thống có thành phần chính là bột mì, đường, bơ, nhân tùy loại, được chia ra hai loại là bánh dẻo và bánh nướng. Năng lượng mỗi bánh trên dưới 600 kcal/chiếc, có thể tăng giảm do nhân bánh khác nhau.
Như vậy, một chiếc bánh trung thu trọng lượng 170 g sẽ cung cấp năng lượng gấp đôi so với bát bún mọc và gấp rưỡi so với một bát phở. Nếu ăn bánh trung thu kéo dài vài tuần với số lượng lớn, mọi người có nguy cơ tăng cân; người có thể trạng béo dễ dẫn tới béo phì do nạp thừa năng lượng vào cơ thể.
Do đó, phó giáo sư Lâm khuyến cáo mọi người cần chú ý khi ăn bánh trung thu để đảm bảo chỉ số cân nặng. Mọi người có thể cắt nhỏ bánh thành tám hoặc bốn phần, sau đó ăn góc nhỏ nhất khoảng 200 kcal – tức mức năng lượng tương đương một bữa sáng. Khi đã ăn bánh trung thu, mọi người nên giảm bớt các thức ăn khác như cơm, bánh mì, bún, phở… do chúng cung cấp rất nhiều năng lượng.
Nếu ăn bánh trung thu nhân thập cẩm, nên bỏ mỡ để giảm tổng năng lượng nạp vào. Lý do là một gram mỡ, chất béo cung cấp 9 kcal. Những người bị đái tháo đường, thừa cân, béo phì nên chọn bánh có kích cỡ nhỏ hoặc được chế biến riêng, có chỉ số đường và cung cấp ít năng lượng.
Mọi người có thể ăn bánh trung thu kèm với thức ăn nhiều nước, chỉ số đường thấp, ví dụ dưa chuột, trà xanh. Các cách này giúp tôn hương vị và giảm đi vị ngọt gắt của bánh.
Theo Vnexpress (https://vnexpress.net/meo-an-banh-trung-thu-tot-cho-suc-khoe-4507062.html).